Cải tạo vật liệu cũ thành linh hồn của dự án mới

Dự án: Căn hộ TEKUNIDUA, Indonesia.

Kiến trúc sư: DDAP Architect

Diện tích: 800 m²

Năm: 2021

Ảnh: Indra Wiras

Nhà sản xuất: Tekuin Gallery

Kiến trúc sư chính: I Ketut Dirgantara, M.T., IAI

Xây dựng: Herland

Cảnh quan: Suksma Garden

Nguồn: Archdaily.com

Tổng quan vị trí công trình

Tekunidua là một dự án căn hộ nghỉ dưỡng nằm giữa lòng thành phố biển du lịch của Indonesia – Kuta Bali.
Nhóm Kiến trúc sư DDAP Architect đã sử dụng vật liệu, vật dụng cũ trong kho của chủ nhà, đưa không gian và phong cách mang đậm kiến trúc Châu Á và dựa trên tinh thần có sẵn của Homestay Ruang Tekuni 1 mà chủ đầu tư muốn thể hiện, thổi hồn vào dự án và đem Tekunidua trở thành một ốc đảo giữa lòng đô thị náo nhiệt.

Mặt tiền và chiếu sáng của công trình

Tổng quan dự án gồm 2 khu vực chính: khu vực 1 gồm 4 phòng vườn, 4 phòng tiêu chuẩn, 4 phòng suite. Khu vực 2 gồm nhà hàng cafe ở tầng trệt với căn hộ áp mái bên trên với diện tích sử dụng là 800m2 và diện tích sàn là 1000m2.
Vật liệu sử dụng cho công trình rất đa dạng, mang phong cách và xuất xứ từ các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, đương nhiên có cả Indonesia. Tất cả các vật liệu chủ yếu là vật liệu thô, chưa qua xử lý, nguyên liệu và vật liệu tái chế được tận dụng từ nhà kho của chủ dự án, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa giữ gìn nguyên tắc bền vững.
“Chúng tôi cảm thấy rằng những vật liệu này có linh hồn để khi chúng tôi áp dụng chúng vào công trình này, linh hồn sẽ được gắn vào và sẽ được cảm nhận bởi người sử dụng” – DDAP Architect.

Màu sắc được sử dụng cho toàn bộ thiết kế là bảng màu tự nhiên và trung tính mang lại cảm giác gần gũi, thư giãn, nhẹ nhàng như: xanh ngọc bích, cam gạch, trắng, kem, xám,… mà chủ yếu vẫn là màu của vật liệu gỗ.
Xung quanh khuôn viên được trồng các loại cây trồng nhiệt đới cùng lối thiết kế phối hợp giữa vật liệu bền vững qua thời gian, đường nét, hình dáng hiện đại của phong cách Mid-Century đậm tính Châu Á.

Kiến trúc sư đem hơi thở của tự nhiên vào trong thiết kế khiến cho không gian chung sáng sủa, thông thoáng. Mỗi phòng đều có cửa sổ lớn đón ánh sáng tự nhiên và không khí trong lành. Nội thất trong phòng đa số được làm thủ công, sử dụng các vật liệu thô. Với nội thất có sự kết hợp giữa cái cũ và cái mới tạo nên vẻ đẹp hài hòa cho không gian phòng, không bị bó buộc với 1 tiêu chuẩn thiết kế nhất định.

Từ ngoài nhìn vào là phần mặt tiền lùi vào trong và phần mái hiên nhô ra. Chính diện là hồ bơi với bình phong là 60 bộ ấm thuốc bắc đã qua sử dụng trong nhà kho kết hợp với khung sắt được đặt ngay tại khu vực có ánh nắng vừa tạo ra hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt trên sàn nhà vừa trở thành rào chắn riêng tư cho bể bơi.

Điểm nhấn đặc biệt của phần sân vườn công trình và bình phong thủ công từ 60 bộ ấm thuốc bằng thuỷ tinh đem lại hiệu ứng trang trí và ánh sáng rất đẹp.

Tất cả không gian đều sử dụng nghệ thuật chiếu sáng hợp lý khi tận dụng được ánh sáng tự nhiên ban ngày. Còn ban đêm bao phủ toàn bộ công trình là ánh sáng vàng ấm áp làm nổi bật cấu trúc cũng như các vật liệu gỗ cùng nghệ thuật chiếu sáng hợp lí tôn vinh vẻ đẹp công trình.

Các công trình phụ như vách che nắng ở mặt tiền, lối lên cầu thang tận dụng những nguyên liệu tái sử dụng như 10 bộ vì kèo xuất xứ Trung Quốc hay hàng trăm bộ chân bàn cũ được xếp lại với nhau tạo nên một vách lam có hoa văn độc đáo, không theo quy luật nào. Những vật dụng nội thất trang trí trong công trình đa số là đồ cũ và đồ thủ công mỹ nghệ, đem lại nét đẹp gần gũi mộc mạc cho công trình.

Hiệu ứng ánh sáng tự nhiên thay đổi theo từng khung giờ trong ngày
Sự kết hợp giữa những nguyên liệu có sẵn trong kho và vật liệu mới hài hoà và thẩm mỹ tạo hiệu ứng ấn tượng không lặp lại và theo quy chuẩn nhất định
Không gian bên trong tương tác với môi trường tự nhiên bên ngoài
Sử dụng vật liệu thô mộc và gần gũi hơi hướng nhiệt đới, phóng khoáng cho công trình.

Phòng ngủ căn hộ tầng trệt nhìn ra hồ bơi, với nội thất gỗ chiếm phần lớn trong không gian, tone gỗ màu sáng khá ấm áp tương phản với vật liệu sàn đá mài và tường sơn nước trắng cơ bản. Đồ nội thất có chân giúp không gian nhỏ trở nên rộng rãi thông thoáng hơn.

Nội thất của các phòng ngủ đặc biệt không theo một module nào, tất cả được bố trí và sử dụng vật dụng, trang trí khác nhau chỉ dựa trên bố trí có sẵn của công trình.

Căn hộ áp mái độc lập với không gian giao thoa kết hợp khách, bếp, sinh hoạt chung. Đây là điểm dừng chân và kết nối 2 phòng ngủ lại với nhau, là khu vực các thành viên gặp gỡ và giao lưu mỗi ngày.
Với 3 mặt dựng sử dụng vật liệu gỗ tự nhiên, hoạ tiết cơ bản và vật dụng nội thất mang tính thời gian như: Tủ sideboard, Tủ tivi, ghế gỗ, bình gốm cũ… xuất xứ từ văn hoá Trung Hoa cổ điển. Kết cấu lộ trần áp mái giúp tận dụng tối đa sự thông thoáng cho công trình.

Không gian tiếp khách, sinh hoạt chung và bàn ăn bố trí hợp lí, gọn gàng. Điểm nhấn khu vực tiếp khách là bàn sofa gỗ nguyên khối không qua xử lý và sofa vải màu xanh nổi bật kết hợp hoạ tiết Boho ấn tượng.
Nhìn chung không gian mang đậm tính Châu Á với vật dụng và trang trí mang hoạ tiết Á Đông và đồ nội thất cũ, tất cả được sắp đặt hợp lý trong không gian hiện đại, màu sắc tươi sáng gọn gàng thể hiện những nét đẹp của phong cách Mid-Century đầy hiệu quả. Đèn thả thủ công trong công trình đem lại hiệu ứng ánh sáng rất tốt, trang điểm nhấn nhá thêm cho nét đẹp của không gian nội thất.

Phòng ngủ căn hộ áp mái nhìn ra vườn với cửa sổ lớn, ô kính đón nắng khai thác triệt để ánh sáng tự nhiên cho căn phòng.
Nội thất sử dụng những gam màu cơ bản, vật liệu thô mộc, đường nét đơn giản cùng lối bố trí không gian thông thoáng. Đem lại cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn, thoải mái cho người sử dụng. Điều mà chủ đầu tư muốn đem lại cho khách hàng của mình khi đến với công trình này.

Không gian phòng tắm Master với điểm nhấn là bồn tắm tròn đặt giữa trung tâm bằng vật liệu đá mài kết hợp gỗ, màu sắc sáng sủa trung tính của gạch nền và gạch thẻ ốp tường tương đồng với màu bồn tắm. Không gian kết hợp gương và kính trong suốt giúp giải phóng không gian, màu sắc, hình khối và vật liệu tạo cảm giác thư giãn và gần gũi với thiên nhiên.

Văn hoá Châu Á được biết đến với sự đa dạng và TEKUNIDUA cũng vậy. Kiến trúc sư nhấn mạnh sự đa dạng của vật liệu từ nhà kho của chủ sở hữu và biến nó thành một công trình tuyệt đẹp. Vật liệu không chỉ có một loại mà rất nhiều loại. Không chỉ từ Bali, mà các thiết bị cũng đến từ Java, và một số thậm chí từ Trung Quốc. DDAP Architect cho biết: “Chúng tôi cảm thấy mình đã hoàn thành sứ mệnh đơn giản của mình. Bằng cách khai thác tiềm năng của các vật liệu thô sơ sẵn có từ chủ sở hữu, đã thổi hồn vào dự án và tạo nên một câu chuyện cho chính dự án này. Về nguyên tắc, chúng tôi cải tiến không gian trên cơ sở gọn gàng và sắp xếp bố trí vật dụng sao cho vẫn giữ được ấn tượng hiện đại. Bước này có thể là bước đầu tiên của chúng tôi để mang lại phong cách thực sự của Kiến trúc Châu Á ngày nay “.

.